Bí quyết trị sưng tấy, thâm đỏ sau khi nặn mụn cực hay ho và hữu hiệu
"Người bạn thân" của mụn chính là những vết thâm đỏ xấu xí và dai dẳng, khiến chị em ám ảnh và có tâm lý mặc cảm thiếu tự tin. Tuy nhiên, vỏ quýt dày luôn có móng tay nhọn, để hạn chế thâm sưng đỏ sau khi nặn mụn, bạn nên thực hiện theo quy trình dưới đây để giảm tối đa thiệt hại cho làn da.
1. DA SẼ KHÔNG ĐẸP NẾU NẶN MỤN SAI CÁCH
Muốn loại bỏ các nhân mụn xấu xí, các nàng cần phải làm đúng các bước dưới đây:
Bước 1: Kiểm tra xem mụn đã nặn được chưa
Không phải mụn nào bạn cũng nặn được đâu nhé. Đôi lúc phải tập cách “ làm lơ” với một số loại mụn, và cũng phải cương quyết loại bỏ các mụn đã chín để tránh trường hợp lỗ chân lông bị ách tách liên tục dẫn tới viêm hoặc tàn nhan do mụn hình thành.
Bước 2. Chuẩn bị các dụng cụ nặn mụn cần thiết
- Cây nặn mụn
- Bông gòn
- Tăm bông
- Cồn
- Nhíp gấp mụn
Bước 3. Rửa mặt và vệ sinh bộ dụng cụ nặn mụn
Việc bạn cần làm trước khi nặn mụn đó là: rửa thật sạch da mặt bằng sữa rửa mặt, lau khô da đồng thời cũng rửa tay bạn nhé.
Sau đó hãy vệ sinh cây nặn mụn và nhíp gấp mụn bằng cồn 90 độ để đảm bảo những dụng cụ trên đã sạch khuẩn và an toàn khi tiếp xúc với da.
Bước 4: Xông hơi mặt với nước ấm trước khi nặn mụn
Việc xông hơi da mặt là điều tối quan trọng trước khi muốn nặn mụn bởi nó sẽ làm sạch và giãn các lỗ chân lông. Từ đó, nhân mụn sẽ được đẩy đi dễ dàng hơn, tình trạng sưng tấy hay thâm cũng được giảm thiểu.
Nếu nặn mụn tại nhà bạn có thể xông mặt bằng cách đặt vài lát chanh, sả vào nồi nước đun sôi, cho ra bát tô, rồi úp mặt cách bát khoảng 15cm và lấy khăn trùm đầu để hơi nóng bốc lên, vừa thải các chất cặn bã ra khỏi da, vừa chuẩn bị cho quá trình nặn mụn tiếp theo.
Ngoài ra, bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước để xông mặt như tinh dầu tràm trà, tinh dầu lavender, tinh dầu hoa cam. Không chỉ tạo mùi thơm dễ chịu, các tinh dầu còn có chức năng trị liệu riêng của nó, đặc biệt tốt với da tổn thương và bị mụn.
Bước 5: Nặn mụn đúng cách
Hãy thận trọng và cẩn thận khi nặn mụn, bạn nên chọn nơi có đủ ánh sáng, tốt nhất là dưới ánh sáng đèn để bàn để xác định chính xác mụn nào đã chín và chắc chắn còi mụn đã được nặn ra hết.
Dùng đầu ngón tay trỏ và giữa có kèm bông gòn để cố định vùng da có mụn cần nặn, bạn cũng có thể chuyển động cơ mặt để việc lấy mụn diễn ra dễ dàng nhất, nhanh nhất và không gây sưng đau vùng lấy mụn. Tuyệt đối không nên dùng tay và móng tay trực tiếp để nặn mụn.
Bạn nên nhớ trên đầu ngón tay và móng tay có rất nhiều vi khuẩn đang ẩn nấp, việc dùng trực tiếp tay và móng để nặn sẽ vô tình là bên thứ 3 đưa vi khuẩn tiếp tục xâm nhập mụn và gây ra nhiều mụn hơn. Vì thế trước khi nặn mụn hãy dùng 1 miếng bông gòn để làm miếng lót khi tiếp xúc với mụn, cẩn thận dùng cây nặn mụn ấn nhẹ đến khi nào đầu mụn ra ngoài hoàn toàn.
Cần lấy sạch hết cồi mụn. Sau khi lấy sạch cồi thì sẽ chảy dịch và máu, dùng bông gòn lau sạch.
Một điều cũng cần lưu ý nữa là bạn nên thực hiện nặn mụn vào buổi tối vì đây là khoảng thời gian da được thả lỏng, mềm hơn, ít phải tiếp xúc với bụi bẩn bên ngoài, giảm đau nhức.
2. NHỮNG VIỆC NÊN LÀM NGAY SAU KHI NẶN MỤN
- Thoa toner
Với những vùng da mụn đang bị tổn thương, bạn có thể thoa toner có chiết xuất từ hạt phỉ hoặc trà xanh dịu nhẹ. Những tinh chất này sẽ làm mềm và dịu vùng da đang bị tổn thương, đồng thời sẽ loại bỏ một vài nốt đỏ nhỏ xung quanh. Khi thoa bạn cũng không nên chà xát quá mạnh mà nên thấm nhẹ vùng vừa nặn.
- Đắp mặt nạ
Đắp mặt nạ cũng là phương pháp để "xoa dịu" vùng da đang bị sưng đỏ vì nặn mụn. Tuy nhiên, bạn không nên đắp những mặt nạ dạng lột hay có hạt tẩy da chết mà chỉ nên sử dụng mặt nạ dạng rửa hoặc mặt nạ giấy dịu nhẹ. Những loại mặt nạ này có thể chứa các tinh chất như bạc hà hoặc nghệ.
- Hạn chế tác động mạnh lên da
Khi vết thương vẫn còn chưa đóng vẩy, bạn nên hạn chế tác động hóa chất vì có thể gây kích ứng hoặc nhiễm trùng ngược. Lúc này, điều tiên quyết bạn cần làm chỉ là chú trọng vào việc làm sạch.
Bạn hãy rửa mặt hàng ngày bằng sữa rửa mặt có độ Ph từ 5- 5,5. Đây được xem là độ Ph lý tưởng giúp da cân bằng và mau lành nhất giai đoạn này. Ngoài ra, bạn cũng không nên vội vàng tẩy da chết ngay lúc này vì có thể chạm đến vết thương gây vỡ, loét.
3. CÔNG CUỘC TRỊ THÂM CHO NHỮNG NGÀY TIẾP THEO
- Dùng kem dưỡng ẩm
Sau 3 ngày vết mụn đã lành hẳn, bạn hãy bắt đầu với bước dưỡng da tiếp theo – dưỡng ẩm. Vì da sau quá trình trị mụn thường gặp phải tình trạng khô, tróc vảy, dưỡng ẩm rất cần thiết giúp da bớt đỏ tấy, mau lành và quay về kết cấu bình thường. Lúc này, sản phẩm dưỡng ẩm của bạn không cần chứa quá nhiều tinh chất mà nên nghiêng về càng mỏng nhẹ, càng tự nhiên càng tốt.
Đừng "tham lam" dùng các loại dưỡng ẩm có nhiều công dụng như làm trắng, se nhỏ lỗ chân lông lúc này. Điều da bạn cần chỉ là được cấp ẩm đầy đủ mà thôi.
- Sử dụng kem trị thâm
Bên cạnh đó, thời gian 3 - 4 ngày sau nặn mụn cũng là thời điểm tốt để hạn chế thâm. Có nhiều loại sản phẩm kem trị thâm mụn mà bạn có thể chọn lựa, điển hình như những sản phẩm đặc trị dạng serum chứa vitamin C, hoặc tinh dầu rosehip… Bạn nên chấm các sản phẩm này vào vết thâm và để qua đêm, giúp chúng có thời gian thẩm thấu và hoạt động tốt nhất.
- Không quên bảo vệ thành quả
Sau khi da đã đi vào quỹ đạo của sự ổn định sau 1 - 2 tuần, bạn nên bắt đầu liệu trình dưỡng da và sinh hoạt khoa học để ngăn ngừa mụn quay lại. Hạn chế trang điểm đậm, tẩy trang và rửa mặt sạch sẽ, dưỡng ẩm kết hợp dùng kem chống nắng hàng ngày là cách tốt nhất để phòng tránh mụn.
Ngoài ra, mỗi tuần 1 lần, hãy dành ra một ngày không bôi mỹ phẩm và detox da với nước xông hoặc một ly nước chanh ấm để làn da thực sự được thanh lọc.