[ADS] - Giao hàng 4h tại nội thành. Freeship cho toàn bộ đơn hàng

5 Điều Phải Thuộc Nằm Lòng Khi Tẩy Tế Bào Chết Cho Da Mụn

Cập nhật 14:49 , 14/12/2015

Bạn đang bị mụn và ngày ngày google “làm thế nào để giảm mụn” thì chắc hẳn bạn sẽ gặp vài bài viết khuyên bạn nên thường xuyên tẩy tế bào chết cho da mụn. Tuy nhiên những bài viết đó thường không bảo khi mụn ở mức độ nào thì bạn bắt đầu được tẩy tế bào chết, hoặc mức độ thường xuyên bạn nên tẩy tế bào chết trên da.

Tẩy tế bào chết đơn giản là làm mất đi lớp biểu bì bên ngoài để ngăn chặn lỗ chân lông bị tắc nghẽn, vì thế đây là một bước quan trọng trong việc dưỡng da, nhất là ai có da dễ nổi mụn nữa. Có hai cách tẩy tế bào chết: bằng tác nhân vật lý hoặc tác nhân hoá học (physical and chemical exfoliants)

Tẩy tế bào chết bằng cách tác nhân vật lý loại bỏ lớp da chết bằng cách chà xát lên bề mặt da. Các sản phẩm thông dụng của cách này là các loại kem massage hoặc sữa rửa mặt có các hạt li ti hoặc bằng các loại cọ (như máy rửa mặt Clarisonic chẳng hạn). Có thể kể đến cả những cách tẩy tế bào chết tự nhiên như hỗn hợp đường cát + dầu oliu hoặc cà phê + dầu oliu.

Tẩy tế bào chết bằng các tác nhân hoá học thì không đòi hỏi việc chà xát gì trên bề mặt da nhiều mà sử dụng các loại acid chuyên dụng để làm mất lớp biểu bì bên ngoài. Quá trình này thường chủ yếu được thực hiện ở các trung tâm da liễu hoặc các spa. Các sản phẩm thuộc dạng này hay có chứa các thành phần chính như sau:

  • Glycolic Acid (AHA)
  • Salicylic Acid (BHA)
  • Lactic Acid
  • Jessner’s Peel (một loại hỗn hợp giữa axit salicylic, resorcinol, axit lactic trộn trong ethanol)
  • Resorcinol
  • TCA (Trichloracetic Acid)

Bài viết này mình không đề cập đến tẩy tế bào chết bằng các tác nhân hoá học mà sẽ chủ yếu nói về các dạng tẩy tế bào chết vật lý thông dụng mọi người hay xài.

Các chuyên gia da liễu đã từng khuyến cáo rằng việc tẩy tế bào chết có thể khiến da mụn trầm trọng hơn (đa số da mụn đều nhạy cảm cực kì). Bởi vì khi bạn loại bỏ lớp biểu bì ngoài cùng thì đương nhiên da bạn bị tổn thương và độ ẩm tự nhiên trên da cũng mất đi. Vào lúc đó, da bạn sẽ bị kích ứng. Và khi da bị kích ứng thì tự động nó sẽ tiết nhờn nhiều hơn để “đền bù” cho lượng dầu tự nhiên đã mất. Như vậy, tẩy tế bào chết nhiều sẽ khiến mụn càng nặng thêm, đồng nghĩa với mối lo của chúng ta cũng nặng không kém.

Những gì mình nói trên đây không chỉ đơn thuần là cóp nhặt từ internet. Hồi trước mình đã từng phạm sai lầm như vậy. Mình xài các sản phẩm tẩy tế bào chết hằng ngày, trong khi những sản phẩm đó chỉ được dùng từ 1-2 lần/tuần. Mình nghĩ đó là lý do tại sao đợt đó da mình cứ nổi mụn liên tiếp hoài. Cuối cùng thì cả năm trời ròng rã giảm mụn, mình mới rút ra được kinh nghiệm tẩy tế bào chết đúng cách và đúng lúc.

Vậy thì khi tẩy tế bào chết cần lưu ý những gì? Đây là 5 lưu ý bạn cần ghi nhớ:

1. Nếu da bạn thuộc dạng mụn viêm nặng thì nhất định bạn phải tới trung tâm thẩm mỹ để tẩy tế bào chết bằng các tác nhân hoá học

Vì tẩy tế bào chết bằng các tác nhân hoá học không phải chà xát gì lên da nên thích hợp với da mụn. Tuy nhiên cách này cũng không thể tuỳ tiện thực hiện mà phải được bác sĩ da liễu tư vấn đế tránh các trường hợp bị dị ứng làm mụn nghiêm trọng thêm.

Nếu da bạn có ít mụn và muốn da rạng rỡ hơn một chút thì có thế mua các sản phẩm tẩy tế bào chết hoá học để sử dụng tại nhà (bạn có thể google cụm từ “chemical peels products at home”). Tuy vậy thì mấy loại đó hình như không phổ biến ở thị trường Việt Nam nên mình cũng không rành. Tốt nhất là đừng thử nếu không hiểu rõ về chúng, đi ra spa vẫn lành hơn. Có một điều lưu ý nhỏ là trước khi quyết định đi spa nào thì bạn phải tìm hiểu kĩ gói làm đẹp bạn sắp làm là gì và nhấn mạnh với người ta da bạn bị mụn và rất dễ bị dị ứng để người ta chọn cho bạn (trong trường hợp bạn không biết phải chọn cái gì) liệu trình nào hợp với da nhạy cảm nhất.

2. Đừng chà xát da mặt khi mụn còn sưng đỏ

Khi mụn của bạn ở mức độ vừa phải, lâu lâu mới nổi thì bạn có thể sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết thông thường như kem massage có hạt, hoặc đơn giản là dùng dầu oliu/ dầu dừa trộn với một chút đường cát rồi massage mặt. Tuy  nhiên khi sử dụng những cách này thì phải tránh những nốt mụn còn đang đỏ hoặc đang sưng vì việc này khiến mụn càng nặng thêm. Chỉ nên dùng chúng khi mụn đã lành. Lúc này tẩy tế bào chết giúp da tái tạo để phục hồi những vết thâm, sẹo mụn.

Như vậy, chỉ khi mụn bạn đã khô cứng và đang ở giai đoạn lành hoặc bạn có những vết thâm, sẹo mụn thì bạn mới được tẩy tế bào chết.

3. Đừng tẩy tế bào chết nhiều hơn 1 lần/tuần.

Mình biết cảm giác sung sướng khi thấy da mịn màng, rạng rỡ. Đừng vì vậy mà làm dụng nó, không thì bạn sẽ ân hận lắm đó. Da của chúng ta thực ra nhạy cảm hơn nhiều so với chúng ta luôn nghĩ. Liệu hồn nó “biểu tình” là hối hận không kịp.

4. Không được đi dưới nắng ngay sau khi tẩy tế bào chết

Sau khi tẩy tế bào chết thì da lúc này đang yếu và nhạy cảm, nếu đi ra nắng sẽ khiến da bị cháy nắng ngay. Trong trường hợp bất khả kháng phải ra ngoài thì che chắn (dùng nón, khẩu trang, kính râm) cẩn thận và dùng kem chống nắng (đôi lúc kem chống nắng cũng không phù hợp lúc này). Thế nên tốt nhất là hãy tẩy tế bào chết vào buổi tối để an toàn hơn.

Bên cạnh đó bạn cũng nên tránh wax hoặc cạo lông ngay sau khi tẩy tế bào chết.

5. Đừng quên thoa kem dưỡng da

Việc này cũng tương tự như bạn tự thưởng bản thân cái gì đó sau một ngày dài làm việc. Vì tẩy tế bào chết làm độ ẩm trên da mất đi nên bạn cần cung cấp độ ẩm cho da ngay lập tức để duy trì vẻ mịn màng, tươi sáng đó.


Mong bài viết này giúp mọi người phần nào hiểu ra được tại sao da chúng ta đôi khi “nổi loạn” sau khi tẩy tế bào chết. Còn đối với những ai chưa từng bị vấn đề như vậy thì cố gắng đừng đi vào vết xe đổ của mình.

Thân chào các nàng

Mị Peo

Nguồn: Beauty Ministry

Hoaanhdao.vn
1800 7118